Thời gian qua, Covid trở thành nguyên nhân cho mọi hoạt động online. Xã hôi giãn cách tuyệt đối để đưa mọi người trở về nhịp sống thân quen. Và dường như cũng là lúc mọi người cần cẩn thận hơn với những gì là online. Và truyền giáo cũng online?? Khi nói về truyền giáo thì chắc hẳn mọi người đều nói “việc đó là của tu sĩ”. Bởi lẽ tu sĩ nam nữ, họ khấn sống đời loan báo Tin Mừng, họ sống theo lời mời của Phúc Âm: “anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
“Xin công đoàn và mọi người cầu nguyện cho việc truyền giáo của chúng con….”. Có một số người họ đã dùng những tấm hình của các nữ tu cùng một số sản phẩm họ muốn bán bao gồm thảo dược, thuốc bắc… không những thế họ còn dùng hình ảnh của các nữ tu làm ảnh đại diện, xưng hô một cách ngọt ngào “ Sơ – anh, chị, em”. Tiếp đó, họ đã mạnh dạn đăng những dòng status “chúc mọi người ngày an lành” kèm với những tấm hình nữ tu từ những bộ phim về nữ tu. Tôi có thấy họ đăng hình Nữ tu Mến Thánh Giá và đăng dòng chữ Nữ Tỳ Đaminh, đã thế, họ còn đăng một số tấm hình của các Dòng ở nước ngoài như Dòng Nữ Thương Khó…và một số Dòng chưa hề hiện diện ở Việt Nam. Nếu một người thông hiểu về đời sống tu trì thì họ sẽ nhận ra ngay đây là một sự giả tạo. Nhưng với những ai không biết rõ thì họ lại đặt lòng tin vào chiếc áo dòng.
Tu sĩ được quý trọng cách đặc biệt trên đất Việt. Một cụ già lớn tuổi, tóc đã bạc trắng lại nghiêng mình ngã mũ chào một tu sĩ trẻ tuổi. Thế đó, người dân đặt trọn sự ngưỡng mộ và lòng tin nơi tu sĩ. Vì họ chọn sống một đời sống mà không mấy ai muốn dấn thân, một đời sống mà ông bà cụ ngày xưa vẫn thường khuyên con cháu “ đi tu đi con”, “một ngày ở nhà Chúa còn hơn vạn ngày ở thế gian”.
Ngạn ngữ Ý có câu: “áo dòng không làm nên tu sĩ nhưng tu sĩ cần chiếc áo dòng”, bởi áo dòng là một phẩm phục mang ý nghĩa sâu sắc cho cả cuộc đời, một phẩm phục còn được gọi là “chiếc áo tình yêu”, tình yêu của sự từ bỏ, của sự hy sinh, của sự quên mình để sống cho Đức Ki-tô, như Thánh Phao-lô nói: “tôi sống nhưng không là tôi sống, nhưng chính Đức Ki-tô sống trong tôi”.
Bên cạnh hình ảnh tuyệt đẹp của các tu sĩ nguyện phục vụ trong tuyến đầu của các Bệnh viện dã chiến, buồn thay có những người đang “mượn” hình ảnh của các tu sĩ để bán online.
Đó là truyền giáo sao? Theo Giáo Luật, điều 786: “ Truyền giáo là thiết lập Giáo Hội giữa các dân tộc và sắc tộc, nơi mà Giáo Hội chưa bén rễ. mục tiêu ấy được thực thi cách chính yếu bằng việc sai những người rao giảng Phúc Âm…..”. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói về truyền giáo: “ truyền giáo là lên đường, là đem Tin Mừng đến với muôn người, là trở thành nhân chứng cho Đức Ki-tô qua cách sống, qua hành động, việc làm, và cả lời nói cụ thể, mà vẫn giữ trọn chân lý chủa Giáo Hội”. Và chính Chúa Giê-su đã nói: “ Anh em hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian cho mọi loài thụ tạo”. (Mt 28,19), (Mc 16,15).
Chẳng có Hội Dòng nào mang linh đạo hay tinh thần này cả. Chính vì điều này, tôi cúi mình xin mọi người giữ trọn ý nghĩa và tinh thần của truyền giáo, và xin đừng “mượn” phẩm phục của tu sĩ để tìm lợi ích cá nhân.
Sr.Giacinta FSML