TẾT BUỒN VÀ NGHÈO???
Khi thấy những cành cây không lá chớm nở những chồi non trong làn khí se lạnh của mùa đông, cũng là lúc những cánh mai và cành đào đang vẫy gọi ánh xuân vàng.
“Tết này có về không?” là tin nhắn mà tôi nhận được ngày qua ngày, thật lòng tôi chẳng muốn trả lời nhưng rồi cũng cầm lòng hồi âm với dòng chữ KHÔNG Ạ! Tôi xa quê cũng khá nhiều năm, nhưng nét đẹp Việt Nam tôi vẫn nhớ, vẫn yêu và vẫn giữ như lời thơ của Bàng Bá Lân:
“ Tết về nhớ bánh chưng xanh,
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn gà.
Nhớ cành đào thắm đầy hoa,
Nhớ giây phút đợi giao thừa nghiêm trang.
Nhớ ngũ vị, nhớ chè lam,
Nhớ cây nêu, nhớ khánh vang tiếng sành.
Nhớ tam cúc đẹt, nhớ…mình!
Nhớ cân mứt lạc, nhớ khoanh giò bì….!
(Tết xưa)
Tết – một phong tục mang đậm tính dân tộc bởi lẽ không ai không nhớ ngày tết, khong ai không mong đến ngày tết và tôi cũng thế, không ngoại trừ. Đâu đó vang vọng “tết này buồn và nghèo”, tôi đọng lại và suy nghĩ nhiều về câu nói này…. Tự hỏi bản thân mình tại sao? Có phải vì vấn đề Covid đã làm cho kinh tế hoàn cầu giảm sút, có phải vì Covid đẩy con người ta xa nhau….? Phải chăng đây là lý do khiến tết buồn và nghèo? Nhưng đối với tôi, tết không bao giờ buồn và nghèo, dẫu không sống trên quê hương, dẫu tết trong tôi chỉ là kí ức, dẫu không được trở về để đón tết…
Tết là một từ mà trong nó chất chứa bao vẻ đẹp, không chỉ vẻ đẹp thiên nhiên mà hơn thế nữa vẻ đẹp tâm hồn của mỗi người dân Việt; nó diễn tả tất cả niềm vui và tự hào của một đất nước; nó xác định văn hóa linh thiêng người Việt. Vậy tại sao lại buồn và nghèo? Bao mảnh đời khó khăn, bao gia đình chật vật … nhưng khi chim én lượn trên bầu trời, nụ mai vàng chớm nở, họ không thiếu cái gì đó gọi là “tết”, bởi lẽ đây cũng là thời gian mà bao tấm lòng cao thượng lại thổn thức để có thể chia sẻ chút gì đó với những mảnh đời kém may mắn.
Tết là thời gian của sum họp, của đoàn tụ, của tình thân, của khao khát trường tồn cuộc sống và hy vọng vào ngày mai. Thế đó, tết trong tim mọi người là sự phấn khởi giao hòa của đất trời. Người Việt cho rằng, Tết là lúc để thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” một cách sâu sắc nhất. Giá trị hướng về cội nguồn là giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm của người Việt với Tết. Giá trị này đã trở thành nếp sống truyền thống tốt đẹp, bền vững. Tết mang một giá trị đạo đức và thẩm mỹ tuyệt vời. Thế tại sao lại nghèo và buồn?
Vì thế, bạn và tôi cùng nhau nung nóng lại ý nghĩa truyền thống, bạn cùng tôi làm sống lại tinh thần ngày tết. Đường hoa, chợ tết dẫu vắng bóng người nhưng đừng để vắng bóng của những người thân thương trong lòng bạn và tôi, hãy làm ấm lại không khí trông từng gia đình, hãy trân trọng sự hiện diện của những người bên cạnh thì Tết sẽ không nghèo và buồn nữa, thay vào đó là sự viên mãn của sung túc, viên mãn của tình thương.
Mong ước bạn và tôi sống mãi tinh thần người Việt, ước mong Tết bình an và thịnh vượng, ấm áp bên gia đình trong sự quan phòng yêu thương của Chúa Xuân!!!
Và hãy tự hào vì bạn và tôi là người Việt Nam!
Sr.Giacinta FSML